Kế hoạch tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam Trận_đồi_C1

Sau thắng lợi của đợt tiến công thứ nhất, Bộ Chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định mở đợt tiến công thứ hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm: "tập trung ưu thế binh hỏa lực tiêu diệt địch ở khu đông Mường Thanh, chiếm lĩnh dãy đồi phía đông, uy hiếp trung tâm, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ".

Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm C1. Trung đoàn 98 từ đầu chiến dịch đã tham gia tiến công Lai Châu, chặn đánh quân Pháp ở Mường Pồn. Trung đoàn có kinh nghiệm tiến công phòng ngự công sự vững chắc ở địa hình rừng núi. Cán bộ chiến sĩ có tinh thần chiến đấu dũng cảm và được rèn lyện thử thách trong quá trình xây dựng trận địa, nắm được quy luật hoạt động của địch, thông thuộc địa hình.

Phân khu trung tâm của Pháp cuối tháng 3-1954. C1 là Eliane 1, C2 là Eliane 4.

Trung đoàn 98 (thiếu Tiểu đoàn 938) được tăng cường 1 đại đội sơn pháo 75 mm, 1 đại đội cối 120 mm, 1 trung đội cối 82 mm, 1 trung đội 12,7 mm, được 1 đại đội lựu pháo 105 mm chi viện, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt C1, phát triển sang C2; sau đó phối hợp cùng đơn vị bạn tiêu diệt một bộ phận của Tiểu đoàn Dù 6 ở chân C1, C2. Tiểu đoàn 938 không tham chiến, làm dự bị cho đại đoàn.

Sau khi nhận mệnh lệnh của đại đoàn, trung đoàn trưởng và chính ủy hội ý quán triệt nhiệm vụ, đánh giá tình hình, địa hình, thuận lợi khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ, sơ bộ dự kiến quyết tâm chiến đấu. Tiếp đó, Đảng ủy trung đoàn họp thảo luận quyết tâm chiến đầu sơ bộ: sử dụng lực lượng, cách đánh, thuận lợi khó khăn và hướng khắc phục; phân công cán bộ trung đoàn tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị kế hoạch tác chiến.

Trung đoàn tổ chức cho các cán bộ từ trung đội đến trung đoàn và cơ quan đi trinh sát thực địa. Tại đài quan sát ở điểm cao 516, trung đoàn trưởng sơ bộ giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Ban đêm các cán bộ tiềm nhập xác định điểm, hướng đột phá, trận địa xuất phát xung phong các tiểu đoàn, trận địa hỏa lực. Sau đó, Đảng ủy họp lần thứ hai mở rộng đến thủ trưởng quân chính các tiểu đoàn, các đơn vị tăng cường, phối thuộc, thủ trưởng các cơ quan, xác định quyết tâm chiến đấu cuối cùng.

Qua trinh sát, trung đoàn xác định: Đông C1, C2 là ruộng thấp bằng phẳng trống trải chạy từ điểm cao ra xa 200–300 m, tiện cho triển khai lực lượng tiến công; tiếp đó là những dãy đồi, càng về phía sau càng cao dần, có các điểm cao 183, 470, 516… có thể bố trí hỏa lực, đặt đồi quan sát. Đông nam C2 400 m có điểm cao 493 (còn gọi là đồi F), nếu chiếm được thì có thể đặt trung liên, đại liên, ĐKZ bắn vào C1, C2 rất tốt. Sau dãy đồi là những vạt rừng bằng phẳng chạy từ Pom Loi đến Long Bua, sau đó là đồi núi, rừng rậm liên tiếp tiện cho cơ động tiếp cận.

Với địa hình như trên, đột phá C1 chỉ có một hướng độc nhất là hướng đông theo dãy đồi vào lô cốt số 1 là ít bị hỏa lực Pháp ngăn chặn, có điều kiện tiếp cận, triển khai lực lượng, đặt trận địa hỏa lực, xung phong vào khu Cột cờ nhanh và từ đó theo đồi Yên ngựa đột phá sang C2. Cũng có thể lợi dụng các mỏm nhô ra để đột phá vào C2, nhưng địa hình ít thuận lợi hơn, phải xây dựng trận địa vững chắc và kiềm chế chặt hỏa lực địch. Đông nam điểm cao 470, cách C1 khoảng 200 m có bản Hồng Líu không có dân, cạnh bản có điềm cao 491 có thể đặt sở chỉ huy trung đoàn.

Liên quan